Nếu nhà bạn có cầu thang không thích hợp thì sẽ ảnh hưởng đến sự may rủi, mất mát tài sản hay bệnh tật ốm đau của gia đình. Nếu cầu thang nhà bạn hợp phong thủy, nó sẽ phân chia đều sự may mắn giữa các phần trong gia đình.
1. Hình dáng của cầu thang.
- Có thể sử dụng cầu thang gỗ hình vuông, hình tròn, hay uốn hình cánh cung tùy theo diện tích và thiết kế của ngôi nhà.
Cầu thang uốn hình cánh cung giúp khí lưu thông dễ dàng, mang lại nhiều tài lộc cho gia chủ.
- Tránh đặt cầu thang xoắn ốc vì đây là một điềm gở. Càng nguy hại hơn khi cầu thang đó đặt giữa nhà. Đặc biệt không dùng cầu thang xoắn quanh cột. Loại cầu thang này sẽ tạo một khí xoắn quanh cột khiến Dương khí bị xoắn lại hại gia chủ và người nam trong nhà.
- Cầu thang luôn phải chắc chắn và liền mạch. Tuy vậy, tránh làm cầu thang quá dài từ tầng này lên tầng khác mà không có chiếu nghỉ.
2. Vị trí và hướng cầu thang.
Vì cầu thang là đường dẫn cho cả ngôi nhà nên phải bắt đầu từ vị trí có nguồn năng lượng tốt. Ví dụ:
- Cầu thang không được đặt tại vùng trung cung (vùng trung tâm của ngôi nhà). Trong trung cung lại chia làm 9 phần, phần giữa của trung cung được gọi là biệt cung, đặc biệt cấm kỵ đặt cầu thang ở đây.
Vị trí tốt nhất của cầu thang là nằm trọn vẹn trong phương vị tốt nhất của căn nhà theo tuổi gia chủ. Ưu tiên thứ hai là bậc đầu tiên của cầu thang phải ở phương vị tốt. Ưu tiên thứ ba là bậc cuối cùng lên sàn của cầu thang phải ở phương vị tốt.
- Cầu thang nên đặt ở những nơi thoáng đãng, sinh khí dồi dào ở trong căn nhà và bắt buộc phải đi từ hướng tốt đi lên. Ví dụ như trong hình minh họa, hướng tốt của gia chủ là hướng Đông, khu vực tốt trong căn nhà của gia chủ ở góc Tây Nam ngôi nhà và cầu thang được đặt ở vị trí tốt để dẫn khí lên cho những tầng bên trên.
- Tuyệt đối kiêng kỵ đặt cầu thang đi từ phía sau nhà đi lên. Bởi vì, khí trong nhà đi từ ngoài vào và thoái ở phía sau. Nếu cầu thang đặt đi từ phía sau nhà lên các tầng trên sẽ lần lượt suy khí. Người ở trong nhà sức khỏe, tài lộc sẽ suy giảm. Thậm chí khi dương khí suy kiệt nặng, âm khí vượng sẽ dễ mắc các bệnh hoang tưởng và thần kinh.
- Cầu thang được xem là hợp khi nó dựa vào vách trái (vách Thanh Long) của ngôi nhà. Từ bên trái ngôi nhà, cầu thang có thể bẻ hình chữ L để đi lên trên. Nếu nhà nhiều tầng, trật tự bố trí và vị trí cầu thang của mỗi tầng không được thay đổi, phải tuân thủ từ tầng 1.
- Cầu thang là nơi khí lực tụ lại và vận động. Vì vậy, tránh đè lên trên cửa giường ngủ, hay bên dưới là bếp. Không gian dưới gầm cầu thang cũng cần phải trống. Kiêng kỵ nhất là đặt nước (hòn non bộ, bể cá) dưới chân cầu thang bởi điều này sẽ cản trở sự thành công của thế hệ thứ hai trong gia đình.
- Cầu thang nên thiết kế vận hành đi lên theo ngược chiều kim đồng hồ vừa thuận theo nguyên lý hoạt động, sinh hoạt của con người vừa phù hợp với nguyên tắc phong thủy, đặc biệt là khi đi lên, tim chúng ta luôn gần với tâm của trục thang đứng sẽ giảm bớt sự mệt nhọc trong quá trình leo cầu thang.
3. Số bậc.
Số bậc của mỗi tầng, cũng như của toàn cầu thang, tính từ bậc thứ nhất đến bậc cuối cùng phải rơi vào cung “Sinh” trong vòng tuần hoàn “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”, hay còn cách gọi nữa là “Thành, Bại, Hủy, Diệt”.
Thông thường, tổng số bậc cầu thang là bậc lẻ 21, 19, 17,… chiều rộng của cầu thang từ 70 cm đến 120 cm, độ rộng của bậc thang 25 cm – 27 cm, chiều cao của bâc thang từ 15cm đến 19cm. Được như vậy, sẽ đảm bảo không những thuận tiện về sinh hoạt, đồng thời cũng mang lại cho chúng ta cảm giác yên tâm, thoải mái trong ngôi nhà của mình.
Số lượng bậc thang được tính từ bậc thứ nhất cho tới điểm kết thúc (chiếu tới, hành lang). Nếu có chiếu nghỉ thì chiếu nghỉ được tính như một bậc thang bình thường.
Bậc thang phải hoàn toàn kín, liền nhau, không có lỗ hổng giữa các bậc. Điều này đảm bảo, tài chính gia đình sẽ không bị thất thoát.
Ngày nay, khoa học hiện đại cũng đã xác định được rằng: Số bậc cầu thang liên quan đến nhịp tim, tất nhiên tác động đến sức khỏe và tâm lý con người thường xuyên đi lại trên cấu thang đó, vì vậy cần có những tính toán kỹ lưỡng khi thiết kế cầu thang của một ngôi nhà.
4. Biện pháp tốt cho phong thủy cầu thang.
- Nên chọn cầu thang gỗ hoặc đá để làm trong nhà vì nó mang tính Mộc và Thổ. Hai hành này rất gần gũi với con người, nhất là không gian nhà ở. Còn những chất liệu kim loại như inox tạo cảm giác lạnh lẽo nên sử dụng ở những không gian công cộng, văn phòng công sở...
- Đặt một cặp Kỳ Lân hai bên cầu thang để chống lại nguồn năng lượng xấu di chuyển lên trên và khuyến khích năng lượng tốt lên trên.
Trang trí cầu thang bằng những bức tranh, khung tranh ấn tượng.
- Sử dụng những bức tranh nghệ thuật hoặc bức ảnh treo tường trong những khung hình lớn và dày dặn. (Chọn màu và chất liệu khung tuỳ thuộc vào yếu tố phong thuỷ của khu vực và của gia chủ).
- Đặt đèn chùm phía trên cầu thang. Hệ thống ánh sáng tốt sẽ làm cân bằng các nguồn năng lượng.
5. Những “phạm quy” khi thiết kế cầu thang và phương pháp khắc phục.
- Cầu thang đối diện với cửa chính, với bếp hoặc nhà vệ sinh làm cho gia chủ hao tài tốn của, làm được nhưng không được thu.
Cách khắc phục: uốn cong mấy bậc đầu của cầu thang; hoặc đặt một tấm bình phong cách chân cầu thang 1.5 mét; hay bạn có thể treo một khánh nhạc hoặc quả cầu thủy tinh ở giữa bậc thang cuối với lối vào để làm nhẹ dòng khí lưu chuyển.
- Cầu thang tối và thấp làm cho các luồng khí di chuyển trong nhà bị chặn lại.
Cách khắc phục: có thể treo một tấm gương lên trần để tăng cường chiếu sáng cũng như làm tăng nguồn khí, đồng thời tránh làm bậc thang trống dưới nền bậc vì nó sẽ ảnh hưởng đến việc dẫn khí từ dưới lên trên.
- Bậc thang nằm quá sát vách.
Cách khắc phục: treo một tấm gương trên tường để tượng trưng cho khoảng cách.
Cầu thang xoắn ốc làm gia chủ hao tài, tốn của.
- Cầu thang hình xoắn ốc sẽ làm khí thoát ra giống như có lỗ hổng trong nhà.
Cách khắc phục: đặt một gói cây nhỏ hay vật gì xanh trên tay vịn rồi bố trí đèn trên trần chiếu xuống cầu thang từ đầu đến cuối để dẫn khí.
- Cầu thang có lỗ hổng ở giữa bậc.
Cách khắc phục: dùng ván gỗ bít kín chúng lại. Ngoài ra, bạn có thể trải thảm cầu thang, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ vừa có lợi trong phong thủy.
- Số nhịp cầu thang bị phạm vào 1 trong 3 chữ “lão”, “bệnh”, “tử”.
Cách khắc phục: bắt buộc phải xây thêm bậc cầu thang sao cho nhịp cầu thang rơi vào chữ “sinh”.
- Cầu thang đứt đoạn. Ví dụ như: Tầng một thì cầu thang đặt ở đầu hành lang, lên tầng 2 – 3 thì cầu thang lại đặt cuối hành lang, hoặc vị trí khác.
Cách khắc phục: trải thảm nối các bậc và các vị trí cầu thang lại. Trong trường hợp nhà không vượng khí, đủ để dẫn lên các tầng trên qua cầu thang, thì nên có đèn chiếu sáng, để tăng cường sinh khí.
Một số lưu ý khác:
- Bậc cầu thang không nên bị lõm hay hở bởi nó làm ảnh hưởng đến sự tích lũy của cải.
- Nên có đèn cầu thang để việc đi lại ban đêm dễ dàng hơn.
- Cầu thang phải có độ vững chắc. Tránh cầu thang “kẽo kẹt” và lan can “lung lay”.
- Tránh chọn màu đỏ cho cầu thang bởi điều này mang lại những bất hạnh nghiêm trọng.
- Hai bên các bậc cầu thang phải có thành cầu thang để che chắn. Những cầu thang xây theo kiểu hiện đại như cầu thang xương cá, cầu thang không có thành chắn đều không được tốt theo quan niệm phong thủy.